Cho đến nay trên Thế giới vẫn chưa có một khái niệm thống nhất về trà trắng, có nơi gọi loại trà được làm từ nguyên liệu là những tôm trà có lớp lông màu trắng bao phủ là trà trắng, có nơi lại gọi cho loại trà ô xi hóa nhẹ, trà được làm khô bằng cách phơi nắng hoặc sấy và không có bất cứ tác động cơ học nào tới búp trà.

Tuy nhiên “số đông” đang chấp nhận phương án thứ hai, trà trắng được coi là loại trà làm theo qui trình cơ bản như sau: Búp trà tươi => Làm héo (~72h) => Làm khô (phơi nắng hoặc sấy). Làm theo cách này, trà trắng thường sẽ có hương vị tươi mát, thơm ngọt, béo ngậy và nước trà khi hãm có…màu vàng.

Bạch trà An Cát thuộc dòng trà xanh

Cũng theo cách phân loại này, thì một sản phẩm trà nổi tiếng của Trung Quốc có tên là Bạch trà An Cát (Anji bai cha安吉白茶) của tỉnh Chiết Giang sẽ được xếp vào trà xanh thay vì trà trắng như tên gọi.

Trà trắng nổi tiếng nhất là ở tỉnh Phúc Kiến, Quảng Tây của Trung Quốc, tuy nhiên hiện nay cũng được sản xuất nhiều ở Nepal, Đài Loan, Thái Lan, Sri Lanka, Ấn Độ, Việt Nam…

Trà trắng là một loại có thể ủ lâu năm thành lão trà, hương vị được cho là có xu hướng mềm, dịu, ngọt sâu hơn trước khi ủ.

Trên thị trường Thế giới hiện nay phổ biến có 04 loại trà trắng như sau:

1. Bạch Hào Ngân Châm

 Bạch hào ngân châm (白毫 银针, Bai Háo Yín Zhēn) hay còn được gọi là “Kim bạc lông trắng/ White Hair Silver Needle” là một loại trà trắng nổi tiếng của Trung Quốc. Nó có nguồn gốc từ huyện Chính Hòa (Zhenghe/政和县) và thành phố Phúc Đỉnh (Fude/福鼎市), tỉnh Phúc Kiến (Fujian/福建省). Thành phố Phúc Đỉnh được biết đến với cái tên “Quê hương của bạch trà”.

“Bạch hào ngân châm” khô trông giống như một cây kim, được bao phủ bởi một lớp lông trắng hoặc bạc. Bạch hào ngân châm là loại trà trắng chất lượng cao nhất và đắt nhất trong số tất cả các loại trà trắng của Trung Quốc.

Lịch sử

Năm 1796, người Phúc Kiến lần đầu tiên tạo ra Bạch hào ngân châm. Năm 1891, Bạch hào ngân châm bắt đầu được xuất khẩu ra nước ngoài. Năm 1912-1916, bị ảnh hưởng bởi Thế chiến thứ nhất, doanh số bán trà trắng giảm mạnh. Mãi đến năm 1934, việc sản xuất và bán Bạch hào ngân châm mới bắt đầu phục hồi dần. Năm 1982, Bạch hào ngân châm đã được Bộ Thương mại Trung Quốc trao tặng danh hiệu “Trà nổi tiếng quốc gia”, đứng thứ hai trong số 30 loại trà nổi tiếng. Sau năm 1990, một số loại Bạch hào ngân châm mới đã được tạo ra. Bạch hào ngân châm ra đời sớm hơn Bạch trà mẫu đơn và Bạch trà thọ mi.

Sản xuất
Bạch hào ngân châm đắt vì sản lượng thấp và nhu cầu nguyên liệu cao, bởi nó được làm từ 100% tôm trà. Sản lượng hàng năm của Bạch hào ngân châm chỉ bằng 1/10 so với Bạch trà thọ mi.

Với nhiệt độ ngày càng tăng vào mùa xuân, tốc độ nảy mầm của búp trà ngày càng tăng nhanh, đó là thời điểm hái lứa trà đầu tiên để làm Bạch hào ngân châm, việc hái búp trà thường phải rất gấp rút bởi nếu chậm tôm trà sẽ phát triển thành lá và già đi.

Thời gian hái thường rất ngắn, từ Xuân Phân (19 đến 22 tháng 3) đến trước Thanh minh (4 – 6 tháng 4). Thời gian hái chỉ tầm 10 ngày. Nếu trời mưa, thời gian hái sẽ bị rút ngắn, cũng ảnh hưởng đến năng suất.

Chế biến Bạch hào ngân châm chỉ cần hai quá trình, làm héo và làm khô. Quy trình nghe có vẻ đơn giản nhưng để làm được trà ngon thì lại không hề dễ dàng. Môi trường chế biến, độ ẩm và nhiệt độ phải được kiểm soát một cách chính xác.

Vẻ ngoài của Bạch hào ngân châm thành phẩm là mảnh và trắng như một cây kim màu trắng. Chiều dài của nó thường là 1-3cm. Màu của nước trà sáng, trong và có màu vàng mơ. Bạch hào ngân châm được bao phủ bởi một lớp lông trắng. Càng nhiều lông thì chất lượng trà càng cao.

Theo khu vực sản xuất, Bạch hào ngân châm có thể được phân thành hai loại:
– Bắc Bạch hào ngân châm: được sản xuất ở thành phố Phúc Đỉnh. Cây trà là trà Phúc Đỉnh Đại Bạch.
– Nam Bạch hào ngân châm: được sản xuất ở huyện Chính Hòa. Cây trà là trà Chính Hòa Đại Bạch.
Cả hai đều là Bạch hào ngân châm chất lượng cao.

Công dụng

Các enzyme hoạt tính trong Bạch hào ngân châm thường cao gấp đôi so với các enzyme trong các loại trà khác. Bạch hào ngân châm còn chứa polyphenol, axit folic, 25 loại axit amin, vitamin và các nguyên tố vi lượng, dồi dào hơn các loại trà khác.

Lợi ích của Bạch hào ngân châm: Thải độc, lợi tiểu, thanh nhiệt, giảm cân, kháng khuẩn, bảo vệ gan, cải thiện thị lực, kháng viêm, hạ đường huyết, hạ huyết áp…

2. Bạch Mẫu Đơn

Bạch Mẫu Đơn (白牡丹, Bai Mǔ Dān, White Peony, hoa mẫu đơn trắng) là một loại trà trắng của Trung Quốc. Nó có nguồn gốc từ thành phố Nam Bình, tỉnh Phúc Kiến. Bạch mẫu đơn được làm lần đầu tiên vào năm 1922 và đây là một loại trà nổi tiếng trong lịch sử ở tỉnh Phúc Kiến.

Lá trà sau khi pha nổi lên trong nước trông giống như những bông hoa mẫu đơn đang nở nên được gọi là bạch mẫu đơn.

Bạch mẫu đơn chủ yếu được hái vào tháng ba. Thời gian hái chỉ khoảng 15-20 ngày nên năng suất tương đối thấp và giá thành tương đối cao.

Nguyên liệu làm bạch mẫu đơn được làm từ một tôm một lá hoặc hai lá. Trong số tất cả các loại trà trắng của Trung Quốc, chất lượng của Bạch mẫu đơn chỉ đứng sau Bạch hào ngân châm, nhưng hương thơm lại mạnh hơn, đậm mùi hương hoa.

Cánh trà bạch mẫu đơn khô có phần tôm được bao phủ bởi một lớp lông tơ màu trắng, phần lá màu xanh, nên có màu xanh xen lẫn màu trắng.

Sau khi pha, lá trà từ từ nở ra trong nước, giống như hoa mẫu đơn trắng nhẹ nhàng đung đưa trong nước. Màu của nước trà là màu mơ hoặc vàng cam. Bạch mẫu đơn có hương vị tươi dịu, hậu vị bền, sâu.

Theo nguyên liệu, công nghệ chế biến, vùng sản xuất thì Bạch mẫu đơn được cho là có khoảng 20 loại hương: hương trái cây, hương cỏ, hương thơm thảo mộc, hương hoa lan, hương táo tàu…

Bạch mẫu đơn có hàm lượng flavonoid cao, có tác dụng chống oxy hóa mạnh. Một chén trà bạch mẫu đơn có tác dụng tương đương với 12 chén nước cam. Khả năng kháng khuẩn và tiêu viêm được cho là còn mạnh hơn trà xanh.

Ngoài ra bạch mẫu đơn còn có các tác dụng khác như: thải độc, lợi tiểu, thanh nhiệt, giảm cân, hạ đường huyết, hạ huyết áp…

Tìm hiểu và mua sản phẩm: Tại đây

3. Bạch trà Thọ Mi

Bạch trà thọ mi (寿眉, Shòu Méi, Longevity Eyebrow) là một loại trà trắng của Trung Quốc và có nguồn gốc từ thành phố Phúc Đỉnh, tỉnh Phúc Kiến. Bên cạnh đó, còn có một loại trà trắng khác là bạch trà cống mi (貢眉Gong Mei, Tribute Eyebrow), là phiên bản nâng cấp của bạch trà thọ mi.

Bạch trà thọ mi được làm từ một búp với ba lá hoặc bốn lá. Búp hiếm hơn lá nên giá và chất lượng của bạch trà thọ mi thấp hơn so với bạch hào ngân châm và bạch mẫu đơn.

Vẻ ngoài của bạch trà thọ mi không được đẹp mắt, giống như một đống lá khô. Nhưng sau khi uống, bạn sẽ nhận thấy đặc điểm của bạch trà thọ mi là “trầm tính và hướng nội”.

Khi pha, bạch trà thọ mi có màu vàng cam, tươi sáng, vị êm dịu, mạnh mẽ và mượt mà. Hương thơm tương tự như hương thơm thảo mộc và bạch trà thọ mi lâu năm có mùi giống như mùi táo tàu. Bạch trà thọ mi cũng giống như rượu lâu năm, “càng già càng thơm”.

Bên cạnh đó, tổng sản lượng bạch trà thọ mi là lớn nhất, chiếm quá nửa tổng sản lượng của tất cả các loại trà trắng cộng lại. Nửa thời gian mùa xuân và cả mùa thu, được dành để sản xuất trà thọ mi.

Bạch trà Cống Mi

Bạch trà cống mi được làm từ một búp với hai lá hoặc ba lá. Chất lượng và giá cả của nó cao hơn so với trà thọ mi và nằm giữa trà bạch mẫu đơn và thọ mi. Vì vậy chúng ta có thể coi trà cống mi là phiên bản nâng cấp của trà thọ mi.

Theo một truyền thuyết, vào thời nhà Thanh (1636-1912), trà thọ mi chất lượng cao đã được mua bởi hoàng gia. Những thứ mà hoàng gia mua được gọi là cống phẩm (貢品gong pin, tribute), vì vậy loại trà thọ mi chất lượng cao được gọi là cống mi.

Thời gian hái của trà cống mi sớm hơn trà thọ mi nên lá trà cống mi mềm hơn và màu của nước sáng hơn của trà thọ mi.

Những năm gần đây, do sự khác biệt giữa trà cống mi và trà thọ mi không đáng kể nên người dân địa phương thường gọi chung là thọ mi.

4. Bạch trà Vân Nam

Bạch trà Vân Nam được cho là làm lần đầu tiên vào khoảng năm 1840, có nguồn gốc từ làng Ương Tháp (秧/Yang Ta), độ cao 1.600 mét ở Cảnh Cốc, Phổ Nhĩ, tỉnh Vân Nam.

Bạch trà Vân Nam được làm từ cây trà Vân Nam lá lớn. Hương thơm của trà trắng Vân Nam tương tự như mùi ô liu.

Một trong những loại trà trắng nổi tiếng của Vân Nam chính là Bạch trà Nguyệt Quang.

Bạch trà Nguyệt Quang

Bạch trà Nguyệt Quang (Yue Guang Bai , 月光 白, White Moonlight, ánh trăng trắng) là một loại trà trắng từ tỉnh Vân Nam, có hương vị giống với  Bạch Hào Ngân Châm của Vân Nam (Yunnan Silver Needle), nhưng có phần mạnh mẽ hơn và gợi nhớ đến một cô gái trẻ. Có “lời đồn” rằng loại trà này được hái dưới ánh trăng, tuy nhiên có vẻ thiếu thực tế. Giả thuyết sau đây nghe hợp lý hơn, đó là loại trà này được làm héo dưới ánh trăng (ban đêm), nên mới có tên như vậy. Và theo quan niệm âm dương của Phương Đông, thì dò ng trà này giúp làm tăng “tính âm”, cũng là tính chất của mặt Trăng, ngược với “tính dương” của mặt Trời. Cũng có một cách giải thích khác, đó là cánh trà có hai mặt đen và trắng, nên trông giống như ánh trăng màu trắng giữa bầu trời đêm.

Quy trình sản xuất Bạch trà Nguyệt Quang

So với sản xuất phổ nhĩ, thì sản xuất trà trắng có vẻ như đỡ phức tạp hơn nhiều.

Hái: Tiến hành trước khi mặt trời mọc, thường thì người ta hái 1 tôm 1 lá hoặc 1 tôm 2 lá.

Làm héo: Sau đó, lá tươi được làm héo trong ~3 ngày bằng cách trải mỏng trà với độ dày 1-2 cm, nhiệt độ phòng được kiểm soát cẩn thận ở 28 ° C-30 ° C, độ ẩm phải từ 50% -53%. Thực tế là làm héo rồi làm khô hoàn toàn trong nhà, không tiếp xúc với ánh nắng mặt trời là một điểm khác biệt quan trọng so với trà phổ nhĩ và trà trắng truyền thống, vốn có công đoạn phơi nắng.

Quá trình héo này cũng rất quan trọng để tạo ra màu đen và trắng tương phản: một mặt của lá sẽ chuyển sang màu sậm đen, trong khi tôm và một mặt lá được bao phủ bởi màu trắng sáng.

Ép bánh: Bạch trà Nguyệt Quang có thể để ủ lên men lâu năm, nên có thường được ép bánh để tiện bảo quản.

Liên hệ trực tiếp với Trà Bà Vân qua các kênh dưới đây khi muốn mua sản phẩm và thưởng trà:

Nguồn tham khảo:

– Wikipedia: https://en.wikipedia.org/wiki/White_tea

– Chinesetealy: https://chinesetealy.com/bai-hao-yin-zhen/

https://chinesetealy.com/bai-mu-dan/

https://chinesetealy.com/shou-mei-tea/

– Teaguardian: https://www.teaguardian.com/what-is-tea/white-tea/

– Teasenz: https://www.teasenz.com/chinese-tea/origin-processing-moonlight-white-tea-pu-erh-tea.html

– Curioustea:  https://www.curioustea.com/tea/white-tea/yin-zhen-yunnan-silver-needle/

– Sevencups: https://sevencups.com/2019/09/the-complex-identity-of-yue-guang-bai-white-moonlight/