Khác với hương vị mạnh mẽ, ngọt đậm đặc trưng của trà cổ thụ của người Mông ở Tà Xùa – Sơn La, trà cổ thụ ở Lũng Phìn – Hà Giang lại có một hương vị thanh mát nhẹ nhàng, ngọt dịu nhưng cũng không kém phần sâu lắng.

Với độ cao khoảng 1500m so với mực nước biển, những cây trà shan tuyết cổ thụ vươn mình vượt lên trên những dãy núi đá tai mèo lởm chởm, quanh năm thiếu nước, để bao bọc những ngôi nhà tường trình, với ngói âm dương và hàng rào đá đặc trưng của những gia đình người Mông ở Lũng Phìn từ bao đời nay.

Người Mông ở đây cũng như ở Tà Xùa, cứ cha truyền con nối, họ có cách làm trà thủ công rất riêng. Tuy cách thức có thể giống nhau, nhưng qua bàn tay của mỗi người, mỗi nhà, hương vị trà lại khác nhau.

Việc làm trà thường do người phụ nữ phụ trách, từ đi hái, mang về sao, rồi vò, rồi sao khô…Thế nhưng thực tế ghi nhận, những người làm trà ngon nhất lại thường là…đàn ông.

Khác với ở Tà Xùa dùng củi to để sao trà và vò trà theo cách cuộn từ trong ra ngoài, để giữ búp trà được thẳng, ở Lũng Phìn người dân thường sao trà bằng các loại củi nhỏ, thân cây ngô, thân cây cỏ voi…Thêm vào đó họ vò rất kỹ, hai bàn tay nhuần nhuyễn xoay tròn hai “cuộn trà”, xoay đi xoay lại, tới khi nào thấy “nhựa trà” dinh dính dưới tay, cùng với kinh nghiệm cảm nhận của bàn tay để quyết định thời điểm cho trà vào sao tiếp…Có lẽ, đó là hai điểm khác biệt lớn nhất trong cách làm trà của người Mông Đông Bắc và Tây Bắc.

Khác với trà cổ thụ Tà Xùa, cánh trà vàng sậm, lác đác những đốm nổ nhỏ do lửa to, nước vàng sáng trong, thì trà cổ thụ Lũng Phìn cọng trà xoăn chắc, xanh mượt, nước trà xanh sáng trong, vị ngọt dịu nhẹ cứ trôi dần từ đầu lưỡi tới từng tế bào vị giác rồi xuống cổ họng…

Ai một lần đã uống một trong hai loại trà đặc sản này thì chắc chắn suốt đời không bao giờ quên…

@ Trà bà Vân

Tìm hiểu và mua sản phẩm: Tại đây

Liên hệ trực tiếp với Trà Bà Vân qua các kênh dưới đây khi muốn mua sản phẩm và thưởng trà: