Chè Tân Cương, Thái Nguyên tại sao lại ngon?

Chè Tân Cương, hay Trà Tân Cương, là một thương hiệu trà nổi tiếng của tỉnh Thái NguyênViệt Nam. Thương hiệu trà Tân Cương đã được đăng ký chỉ dẫn địa lý tại Việt Nam vào tháng 10 năm 2007. Theo đó, chỉ dẫn địa lý “Tân Cương” không chỉ bao gồm phạm vi xã Tân Cương mà còn gồm cả hai xã lân cận là Phúc Xuân và Phúc Trìu.

Chè Tân Cương tại sao lại ngon, thứ nhất phải kể đến điều kiện tự nhiên:

Hồ núi Cốc

Ba xã Tân Cương, Phúc Xuân và Phúc Trìu có tổng diện tích 48,618 km², nằm ở vùng ngoại thành phía tây của thành phố Thái Nguyên, là các xã thuộc vùng trung du bán sơn địa, xen kẽ có nhiều thung lũng hẹp, bằng phẳng; có sông Công chảy qua địa bàn. Ba xã giáp hoặc nằm gần hồ Núi Cốc và nằm ở phía đông của dãy núi Tam Đảo.

Về đất đai, đất ở Tân Cương được cho là có chứa những nguyên tố vi lượng với tỷ lệ phù hợp thuộc quyền đặc hữu của cây chè, được hình thành chủ yếu trên nền feralitic, macma axít hoặc phù sa cổ, đá cát; có độ pH phổ biến từ 5,5 đến dưới 7,0, thuộc loại đất hơi bị chua.

Về khí hậu, vùng tiểu khí hậu phía Đông dãy núi Tam Đảo cao trên dưới 1.000m so với mực nước biển được cho là điều kiện lý tưởng cho phẩm chất chè được hoàn thiện. Dãy núi Tam Đảo che chắn ánh nắng mặt trời khắc nghiệt  phía Tây, như một màng lọc tự nhiên của hệ sinh thái, tạo ra ánh sáng tán xạ và một bầu khí quyển tương đối mát mẻ. Nhiệt độ trung bình 22 – 23 độ C, lượng mưa từ 2.000 – 2.500 mm mỗi năm, cực kỳ phù hợp với sự sinh trưởng và phát triển của cây chè. Các nhà khoa học đặc biệt quan tâm đến yếu tố bức xạ nhiệt tại khu vực, tổng bức xạ nhiệt là 122,4 kcal/cm2/năm, trong đó lượng bức xạ hữu hiệu là 61,2 kcal/cm2/năm đều thấp hơn so với các vùng chè khác, và đây chính là yếu tố quyết định đến chất lượng trà Tân Cương Thái Nguyên.

Thứ hai là kinh nghiệm trồng, chăm sóc và chế biến chè lâu năm của người dân Tân Cương:

Những búp trà xuân mới nhú

Cây chè bắt đầu được đưa về trồng ở Tân Cương khoảng năm 1923 bởi ông Vũ Văn Hiệt, hay thường gọi là ông Đội Năm. Sau nay ông được tôn là ông tổ nghề chè Tân Cương. Từ năm 1923 đến nay, trải qua nhiều thế hệ, cây chè Tân Cương ngày càng phát triển và khẳng định được vị thế của mình.

Ông cha ta có câu “Trăm hay không bằng tay quen”, nhiều năm trồng và chăm sóc chè, người dân Tân Cương đã rất đỗi thân thuộc với cây chè, hiểu được đặc điểm sinh thái của cây chè, đúc kết được kinh nghiệm trồng và chăm sóc chè sao cho cây chè Tân Cương luôn xanh tốt, để chế biến thành phẩm chè có chất lượng cao. Cùng với những kinh nghiệm trong việc thu hái, sao sấy, bảo quản..để từ những búp chè tươi non thành những cọng chè xoăn chắc, cho nước chè thơm ngon, những kinh nghiệm đó đã ngấm vào máu thịt, được người dân Tân Cương truyền từ đời này sang đời khác.

Trà Thái Nguyên nói chung và trà Tân Cương nói riêng chủ yếu vẫn được chế biến theo phương pháp thủ công, truyền thống theo quy mô hộ gia đình. Sau khi được thu hái, chè sẽ được bảo quản tốt và không để dập nát rồi được đưa ngay vào xưởng để chế biến. Trong thời gian chờ đợi, búp chè sẽ được rũ tơi và rải đều trên các nong bằng tre, quá trình này được gọi là “quá trình làm héo lá chè”. Sau đó chè sẽ được đưa đi xào diệt men, và trong quá trình này, phải có sự đồng đều giữa lượng nhiệt ở đáy chảo và lượng nguyên liệu, đảo đều và nhịp nhàng. Nếu thực hiện quá trình xào diệt men đúng quy trình, nước sẽ thoát ra khỏi lá chè đều và toàn bộ lá chè trở nên mềm dẻo và không bị quá khô hay quá ướt, lá chè vẫn giữ được màu xanh. Tiếp đến, chè sẽ lại được tải ra nong thành lớp mỏng để làm nguội rồi chuyển sang công đoạn vò. Quá trình vò được thực hiện rất cẩn thận để lá chè xuăn chặt mà các tế bào ít bị dập. Sau khi vò xong, chè tiếp tục được đưa đi sao để làm khô gọi là “sao khô”. Bước tiếp theo là cho ra sàng sảy lọc vụn, rồi lại cho vào “sao giòn”, lúc này lượng nước đã hết, trà đã khô kiệt. Nếu chưa bán ngay thì dừng lại ở bước này, để trà nguội rồi đóng gói cẩn thận cất trữ, khi nào bán thì lấy ra “đánh hương”. Nếu bán ngay thì trà sẽ trải qua bước cuối cùng gọi là “đánh hương” hay “lên hương”, ở bước này bằng kinh nghiệm lâu năm của người làm trà, trà sẽ được sao với một điều kiện nhiệt độ và thời gian phù hợp để hương trà được tốt nhất, nước trà xanh nhất.

Thứ ba là giống chè lâu năm:

Một gốc chè lâu năm ở Tân Cương

Như trên đã nói, năm 1923 cây chè lần đầu được mang về trồng ở Tân Cương là công lao của ông Đội Năm. Những cây chè đó đã ngót ngét trăm tuổi và giờ còn rất ít, nhưng giống đó thì được người dân Tân Cương nhân ra, rồi trồng ra khắp vùng. Hiện nay tập trung chủ yếu là ở Tân Cương, Phúc Xuân, Phúc Trìu, diện tích chỉ còn ít ỏi tầm 10ha. Giống chè được người dân gọi là giống Trung Du (được mang từ Phú Thọ về), trồng bằng hạt, hay còn có thể gọi là giống bản địa, giống thuần chủng để phân biệt với các giống chè lai (lai tạo, trồng bầu, còn gọi là chè cành) bây giờ.

Nếu mua trên thị trường thì chủ yếu là các sản phẩm chè được làm từ nguyên liệu là chè lai, với các tên như: Ngọc Thúy, Thúy Ngọc, Hùng Đỉnh Bạch, F1, LDP1, LDP2, Kim Tuyên, Kim Thúy, Phúc Thọ 10, Bát Tiên, Kim Tuyên…

Các giống chè lai với công nghệ sinh học hiện đại mang nhiều ưu điểm mà thị trường đòi hỏi, như nước xanh, hương thơm, năng suất cao…nhưng vẫn không thể nào thay thế được hương vị đặc trưng của chè Trung Du bản địa. Cây trà trung du đã thích nghi với thổ nhưỡng của Tân Cương hàng trăm năm nay, nên phát triển rất tốt mà gần như không cần phân, thuốc, người dân chủ yếu bón bổ sung bằng nguồn phân xanh, phân gà ủ hoai, tưới nước…là cây đã rất khỏe. Còn cây trà lai cần một chế độ chăm sóc rất cẩn thận, phân thuốc định kỳ, trung bình một vụ chè lai được thu hái sẽ phải bón và phun bảy lần phân bón hóa học và thuốc trừ sâu thì cây chè mới phát triển tốt và ra búp. Nếu không đủ phân thuốc, cây chè lai sẽ không thể phát triển được.

Và cũng không khó để phân biệt loại chè được làm từ giống chè thuần chủng, đúng chuẩn Tân Cương, Thái Nguyên:

Cách hái thông thường:

a.1 tôm (làm trà đinh), b.1 tôm 1 lá (làm trà tôm nõn), c.1 tôm 2 lá (làm trà móc câu)

Trà Tân Cương

Về vẻ bề ngoài, chè Tân Cương có màu xanh đen, xoăn chặt, cánh chè gọn nhỏ, trên bề mặt cánh chè có nhiều phấn trắng. Nước chè rất trong, xanh, vàng nhạt, sánh. Nước chè có vị chát ngọt, dễ dịu, hài hòa, có hậu, gần như không cảm nhận có vị đắng. Mùi chè thơm ngọt, dễ chịu.

Màu xanh truyền thống

Theo kinh nghiệm truyền thống mà các cụ cao niên xứ trà truyền lại, trà ngon hay không được đánh giá theo bốn tiêu chuẩn gồm: Thanh, Sắc, Vị, Thần. Trà ngon là loại trà có màu nước xanh ánh vàng mật ong (Thanh); cánh cong như móc câu, đều đặn, nhìn thẳng màu đen, nhìn nghiêng thì xanh (Sắc); uống vào có vị đậm đà, bùi, ngầy ngậy, có mùi cốm trong miệng, lúc mới uống có vị chat êm, uống xong có vị ngọt đọng lại rất lâu (Vị); hương thơm quyến rũ, chỉ có ở trà, không thể lẫn vào thức uống nào khác, đem lại sự sảng khoái, thăng hoa cho người thưởng trà (Thần). Sau một ấm trà, người thưởng trà thấy ấm áp trong lòng, tình người thăng hoa, tinh thần sảng khoái, cảm giác nhẹ nhàng, thanh thoát.

Vài điều cần chú ý khi uống trà xanh:

Trà xanh nói chung thì hàm lượng tanin cao, nên khi uống có thể ăn cùng các loại bánh kẹo ngọt để tăng lượng đường, giảm hiện tượng say trà. Nên uống trà xanh sau khi ăn khoảng 30p để giảm ảnh hưởng tới việc tiêu hóa thức ăn, hấp thụ các chất dinh dưỡng. Người mất ngủ có thể bỏ đi một, hai nước đầu tiên để giảm lượng cafein trong trà.

Chúc anh chị và các bạn an vui bên chén trà!

Xuân Hiến @ Trà bà Vân

 

Liên hệ trực tiếp với Trà Bà Vân qua các kênh dưới đây khi muốn mua sản phẩm và thưởng trà: