Tà Xùa là một xã có độ cao 1600m so với mực nước biển, thuộc huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La. Nơi đây có mây mù bao phủ quanh năm, nên được dân phượt yêu mến gọi là Thiên Đường Mây.

Khác với đa số các bạn trẻ tới Tà Xùa để săn mây, nhiều người yêu trà tới đây để… săn trà. Khí hậu và thổ nhưỡng Tà Xùa đặc biệt phù hợp với cây chè. Tới đây, ngoài hai đặc sản các bạn nên thử là rượu thóc Hang Chú và rượu Táo Mèo, thì trà shan tuyết cổ thụ Tà Xùa là một điểm nhấn không thể bỏ lỡ. 

Từ mùa xuân đầu tiên Trà bà Vân đặt chân đến Tà Xùa đến giờ đã là 5 năm. Hôm nay, sau khi trở về Hà Nội từ Tà Xùa sau vụ trà xuân, chúng tôi xin tổng hợp lại những điều thấy biết cũng như những trăn trở của mình, về cây chè và ngành chè ở Tà Xùa, mong được các bạn cùng chia sẻ. 

Tà Xùa – Thiên Đường Mây

 

I. Tà Xùa trong kí ức

Tà Xùa, đúng hơn là “Tà Sùa”, theo tiếng Mông có nghĩa là “sân phơi thuốc”. Giờ đây, không còn nhiều người biết đến ý nghĩa này. Tại sao người Mông lại gọi mảnh đất này là “sân phơi thuốc”? Khi nghĩ ra cái tên đó, họ đã biết về sự hiện diện của cây chè – loài thuốc quý mà tạo hoá đã kín đáo ban tặng cho quê hương mình hay chưa?

Mùa xuân 2015, chúng tôi tới Tà Xùa lần đầu tiên. Khi đó thông tin về Tà Xùa còn rất ít, và đường khá khó đi. Gần tới Tà Xùa thì trời đã tối mịt, xe tôi còn bị thủng săm, may nhờ một anh thợ sửa xe ở Tà Xùa nhiệt tình vá giúp. Cuối cùng, khi trời đã tối hẳn, tôi cũng tới nơi. 

Thời điểm đó, cả xã Tà Xùa chỉ có một homestay còn rất đơn sơ của anh Dũng Ngỗng, một quán cơm phở bình dân của vợ chồng anh Thiện, ở Nghĩa Lộ lên đây. Quán anh chủ yếu bán thịt chó, bún chó. Tôi vẫn nhớ dáng người cao, gầy nhẳng của anh. Anh rất thạo việc, làm gì cũng được, từ thịt chó, lợn, trâu, bò, tới xây nhà, dựng quán, làm mộc, hàn xì… cả tới buôn đào về xuôi dịp Tết. Anh có thói quen uống rượu mỗi bữa cơm, và chỉ uống bằng cái cốc vại người ta thường… uống bia. Anh bảo tôi là: uống chén nhỏ anh sợ nuốt cả chén mất.

Gần đó có một quán bán ăn sáng của một anh giáo viên người Mông, duy nhất chỉ có món mì tôm trứng, kèm măng ớt muối.

II. Cây chè ở Tà Xùa

1. Phân loại 

Về cơ bản, trà ở Tà Xùa có thể chia thành năm loại như sau:

  • Loại trà cổ thụ: sao chảo truyền thống hoặc sao lồng, nguyên liệu chủ yếu ở Bản Bẹ, Mống Vàng. Búp trà to, nhiều lông, uống đậm vị, ngọt dịu, sâu. Hầu hết trên thị trường là trà 1 tôm 2, 3 lá, vì đây là cách hái phổ biến của bà con. Kể cả có trả công hái cao hơn, họ cũng không hái khác đi.
  • Loại trà shan tuyết 1968: sao chảo truyền thống, hoặc sao lồng, nguyên liệu chủ yếu ở bản Mống Vàng; búp nhỏ hơn trà cổ thụ, thường là 1 tôm 1 lá.
  • Loại trà shan tuyết ít tuổi: sao lồng, nguyên liệu chủ yếu ở bản Mống Vàng, Chung Chinh, Tà Xùa A; búp nhỏ, ít lông, thường là 1 tôm 2 lá.
  • Loại trà bầu: sao lồng, nguyên liệu chính ở bản Chung Chinh, Tà Xùa A; trà xanh, đen, gần giống với trà Thái Nguyên, Phú Thọ.
  •  Trà shan tuyết Háng Đồng: Từ năm 2019, do nhu cầu thị trường cao hơn, nhiều người lên mua chè và làm chè hơn, thị trường lại thích loại búp to, nhiều lông… nên một số hộ thu mua chè shan tuyết ở Háng Đồng để làm, thay vì trước đây không ai hái. Thị trường có thêm một loại chè “Tà Xùa” nữa. Chè Háng Đồng búp to hơn, màu vàng hơn, búp tươi ít chát hơn chè Tà Xùa. Loại này chủ yếu phục vụ khách du lịch.

Tùy theo nguyên liệu, cách chế biến, người chế biến…mà giá chè dao động từ vài trăm tới vài triệu một cân.

2. Cây chè trong đời sống người dân bản địa

Cây trà có mặt ở đây từ bao giờ chắc chẳng ai biết. Các cụ già gần trăm tuổi cũng chỉ nhớ và kể lại rằng, từ đời các cụ đã thấy cây trà to như thế rồi. Theo cách tính áng chừng của bà con, những cây trà cổ thụ đã tồn tại khoảng năm đời. Trung bình một đời người tầm sáu chục năm, thì tuổi cây trà tầm ba trăm năm. Nếu tính tuổi theo khoa học, tức là xác định bằng cách dựa vào phân tích đồng vị các bon thì phải cắt thân cây, rồi mang đi phân tích. Cách này thì chắc không có ai làm cả.

Có một điều lạ là trước đây người Tà Xùa không uống trà. Bà con coi cây trà cũng chỉ như các cây gỗ tạp khác, chủ yếu để làm củi. Người Mông coi trọng cây pơ mu hơn, vì cây pơ mu là cây giữ lửa. Gỗ pơ mu có dầu nên dễ cháy, mà trước đây thì pơ mu đầy trên rừng. Người Mông làm nhà hoàn toàn bằng gỗ pơ mu, kể cả lợp mái.

Năm 2017, chúng tôi lên một bản người Mông ở Háng Đồng C. Xung quanh nhà toàn gỗ pơ mu, những cây chè cổ thụ gần đó bị chặt hết, búp rất to và nhiều lông tơ, nhưng chẳng ai buồn uống. Có chăng, thỉnh thoảng họ chặt cả một cành lớn xuống, rồi hái lấy một nắm búp, cho vào cái ấm, đặt lên bếp đun sôi, rót ra bát mời khách mỗi khi nhà có khách. Người Mông, đặc biệt là đàn ông, thường thích “hàu chớ”, uống rượu, hơn là “hàu chua gi”, uống trà.

Bát nước chè tiếp khách của người Mông

3. Lịch sử phát triển cây chè

Trà cổ thụ vài trăm năm tuổi chủ yếu tập trung ở Bản Bẹ. Năm 2019, để làm dự án chè di sản, chính quyền xã có thống kê và đánh số 200 cây chè cổ thụ tại đây. 

Bản Mống Vàng cũng có vài chục cây cổ thụ, cây to nhất vòng thân cũng ba người ôm. Theo tìm hiểu của chúng tôi, cây trà cổ thụ tại đây thuộc giống camellia sinensis var asamica, hay còn gọi là shan tuyết lá to, mọc hoang dã từ bao giờ không còn ai nhớ rõ.

Năm 1968, theo chính sách của nhà nước, người dân Tà Xùa phá bỏ cây thuốc phiện, được cấp giống cây chè để làm kinh tế. Diện tích chè vài chục hec-ta, chủ yếu ở các bản Bản Bẹ, Chung Chinh và Mống Vàng. Lúc đó giống chè chủ yếu là camellia sinensis var asamica (shan tuyết lá to), trồng bằng hạt, lấy từ Suối Giàng, Yên Bái sang.

Năm 1993, nhà nước phát động một đợt nữa để tăng diện tích trồng chè lên. Đợt này các bản Chung Chinh, Tà Xùa A, Tà Xùa C và một số hộ ở Mống Vàng được cấp giống chè trung du trồng bầu từ Phú Thọ, sau dân thường gọi là chè bầu. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết trong số này là giống chè camellia sinensis var sinensis, giống chè lá nhỏ, mỏng. Một diện tích nhỏ cây chè giống này có búp có màu tím, ở bản Chung Chinh. Một số khác thì vẫn trồng bằng hạt giống chè shan lá to, chủ yếu ở bản Mống Vàng.

Từ đó tới nay, diện tích chè tăng lên đáng kể. Theo thống kê của UBND huyện Bắc Yên, tổng diện tích chè ở Tà Xùa lên tới 140 hecta, rải ra khắp các bản.

4. Phẩm chất cây chè Tà Xùa

Điều đáng nói là, cùng giống với trà shan tuyết Suối Giàng, nhưng trà Tà Xùa lại được thị trường ưa chuộng hơn. Câu chuyện cũng giống như trà Thái Nguyên, dù được lấy giống từ Phú Thọ, nhưng lại ngon hơn và giá trị cao hơn. Yếu tố quan trọng nhất là thổ nhưỡng và khí hậu. Buổi sáng, những cây trà được đón ánh nắng mặt trời, buổi chiều không phải chịu nắng gắt, độ ẩm cao quanh năm. Chính vì thế mà chất trà đặc trưng ở Tà Xùa là đậm, ít chát, ngọt sâu tạo nên cá tính riêng không giống với trà ở bất cứ nơi nào trên Thế giới.

5. Chè Tà Xùa và du lịch

Sau năm năm, Tà Xùa đã thay da đổi thịt, hàng quán mọc lên nhiều, homestay nhiều hơn cả nhà dân. Máy xúc, xe tải chạy ầm ầm suốt ngày. Bụi và sương thay nhau che phủ Tà Xùa…

Hiện nay cùng với sự phát triển của giao thông và cơ sở hạ tầng, số lượng cây chè cổ thụ ngày càng giảm đi. Trước tiên là những cây ở gần đường, vì người dân chuyển nhà ra sát mặt đường để dễ buôn bán, làm ăn. Tiếp theo sẽ là những cây to, vì cách làm du lịch.

Các cụ già người Mông chia sẻ rằng, cây trà không thích đông người, nhiều người qua lại cây sẽ chết. Khách du lịch tới Tà Xùa thường leo trèo lên cây, đứng chụp ảnh dưới gốc cây… làm cho hệ sinh thái, môi trường sống của cây trà bị phá vỡ. Các cây bụi xung quanh chết hết, đất dần chai cứng, dinh dưỡng cạn kiệt… Hậu quả là cây trà bị sâu bệnh, mối mọt rồi chết. Chứng kiến sự suy yếu của một vùng trà cổ thụ đặc sản quý hiếm của Việt Nam và thế giới, chúng tôi không khỏi xót xa. 

Chúng tôi từng chia sẻ với một số bạn trẻ người Mông ở Tà Xùa, khách săn mây chỉ qua đây một lần rồi thôi, còn khách săn trà như chúng tôi còn quay lại nhiều lần. Vì thế, cây trà nên được quan tâm đúng mức, trà cổ thụ còn thì Tà Xùa còn, và cuộc sống của người dân sẽ ngày một tốt cùng với cây chè.

Vậy mỗi người chúng ta có thể làm gì? 

Với tư cách cá nhân, chúng tôi thiển nghĩ, là người uống trà, chúng ta nên trân trọng từng cọng trà, uống vừa phải, không lãng phí. Người làm trà, kinh doanh không lấy số lượng, lấy lợi ích kinh tế làm đầu. Cần khai thác vừa phải để cây trà có thời gian nghỉ ngơi, hồi phục sức sống. Với cây trà shan tuyết cổ thụ chỉ nên thu hái từ 1, 2 vụ một năm, sau mùa hè thì dừng thu hái. Nếu ra búp nào hái búp đó thì cây trà không thể sống được. Là khách tham quan, chúng ta không nên leo trèo lên cây trà, đứng gần gốc trà để chụp tấm ảnh hay quay clip, làm ảnh hưởng tới môi trường sống của cây.

III. Trà Tà Xùa trong hành trình của Trà Bà Vân

Tháng 05/2019, Trà bà Vân chúng tôi đã mạnh dạn mang các sản phẩm trà shan tuyết cổ thụ của Việt Nam sang Tokyo giới thiệu với các bạn trà Nhật Bản. Họ đánh giá rất cao sản phẩm Thiên Vân, chính là trà cổ thụ Tà Xùa sao tay thủ công. Nhiều bạn trà nước ngoài muốn tới Tà Xùa để tham quan và tìm hiểu về loại trà này. Đây là một tin vui dù nhỏ, nhưng đầy khích lệ đối với chúng tôi – những con người với tâm huyết bảo vệ trà Việt Nam, mang văn hoá trà Việt ra thế giới.

Anh Xuân Hiến – người sáng lập Trà bà Vân trong buổi giới thiệu trà Việt tại Tokyo

 

Tìm hiểu và mua sản phẩm trà Tà Xùa: Tại đây

Liên hệ trực tiếp với Trà Bà Vân qua các kênh dưới đây khi muốn mua sản phẩm và thưởng trà: