Lâu nay, lưu truyền tên gọi Tuyên phi Đặng Thị Huệ – ái phi của chúa Thịnh Vương Trịnh Sâm (1737-1782) – là Bà Chúa Chè. Tên gọi của bà gắn với thú uống trà của người Việt. Vì sao có tên gọi này, đã có nhiều người viết trong các truyện, in thành sách, nhưng xem ra vẫn không thống nhất. Người thì cho quê bà có tên Chè, người lại bảo lúc chưa vào phủ chúa bà đi bán chè tươi, có người còn nói chúa Trịnh Sâm gặp bà lúc đang hái chè. Tất thảy những cách giải thích này đều không hề dẫn ra được cứ liệu. Xin được dẫn cụ thể một số đoạn trong các nguồn và sách, đã viết như sau:
– Đặng Thị Huệ là cung phi chúa Trịnh Sâm, không rõ năm sinh, quê làng Phù Đổng, tỉnh Bắc Ninh. Bà xuất thân nghèo khổ, nguyên là cô gái hái chè, sau về với chúa Trịnh, nên tục gọi là Bà Chúa Chè (Gia phả Trịnh tộc, www.trinhtoc.com).
– “Dân ta gọi Đặng Thị Huệ là Bà Chúa Chè vì Chúa Trịnh Sâm gặp được nàng trong lúc hái chè trên nương. Thấy nàng đẹp lập tức cho vời vào cung làm Tuyên phi” (Trần Quang Trần, Con rồng Việt Nam với người Giao Chỉ, Nxb Văn hóa dân tộc,1996, tr 112).
– “Đặng Thị Huệ là con một gia đình bình dân tầm thường, xuất thân từ cô gái hái chè ở vùng quê Tiên Du xứ Kinh Bắc (nên về sau người ta vẫn gọi là Bà Chúa Chè. (Quốc Chấn, Những vua chúa Việt Nam hay chữ, Nxb Thanh niên, 2007, tr 120).
– “Sau khi đánh được Thuận Hóa, Trịnh Sâm cho Đặng Thị Huệ từ chức Tiệp dư lên chức Tư dung. Lúc ấy người ta bắt đầu gọi nàng là Bà Chúa Chè (Chè đây là tên núi vùng quê của Nàng)” (Đinh Công Vĩ, Các truyện tình vua chúa hoàng tộc Việt Nam, Nxb Phụ nữ, 2005, tr 264).
– Đặng Thị Huệ người làng Chè, xã Phù Đổng (Hà Nội), vợ của chúa Trịnh Sâm. Vì là vợ chúa, lại người làng Chè nên đời vẫn gọi Đặng Thị Huệ là Bà Chúa Chè (Đặng Thị Huệ tiến thân như thế nào, Nguyễn Ngọc Thuần).

Và còn những sách mà tôi chưa nêu, khi viết về Tuyên phi Đặng Thị Huệ, có liên quan đến tên gọi này. Nhưng với những tư liệu đã nhắc đến, nội dung giải thích tên gọi về Bà Chúa Chè đa phần các “thuyết” chưa xác đáng: Không có chuyện Chúa Trịnh Sâm gặp Thị Huệ khi đang hái chè. Theo cuốn tiểu thuyết lịch sử Hoàng Lê nhất thống chí mô tả cách tự “tiến cử” của Bà: “Một hôm, Tiệp dư Trần Thị Vinh sai nữ tỳ Đặng Thị Huệ bưng một khay hoa đến trước nơi chúa ngồi. Ả họ Đặng này người làng Phù Đổng, mắt phượng mày ngài, vẻ người mười phần xinh đẹp. Chúa nom thấy rất bằng lòng, bèn tư thông với ả”.

Xem ra, có thể tin ở lý do gọi tên theo quê quán Bà. Cuốn Lê quý dật sử của Bùi Dương Lịch (1757-1828) cho biết rõ: Bà người làng Trà Hương, Phù Đổng, trấn Kinh Bắc (nay thuộc Hà Nội). Tên làng “Trà” đọc Nôm thành “Chè”. Điều này cũng giống như trường hợp Bà Chúa Mía (tên Nguyễn Thị Ngọc Diệu, một bà phi của Chúa Thanh Đô vương Trịnh Tráng (1623-1652), đã lập chùa và có đền thờ ở làng Đông Sàng, xã Đường Lâm – trước có tên Cam Giá, tên Nôm là Mía – Thị xã Sơn Tây, Hà Nội).

Nhưng có phải chỉ có một lý do đó?

Xin nêu ra một nguồn cứ liệu khác, để có thể gợi mở, suy lý thêm về tên gọi của Đặng Thị Huệ. Trong một bài phú chữ Hán của Ngô Thì Nhậm (1746-1803) là “Thưởng liên đình phú”, có tả cảnh lò luyện thuốc tiên và hái sen ướp trà trong phủ của Quốc sư Hoàn Quận công (Nguyễn Hoàn, người Nông Cống, Thanh Hóa, từng làm Thái phó dạy Trịnh Sâm, sau giữ chức Tham tụng), dâng lên Trịnh Sâm. Chúa khen việc làm đó, đã ban cho 30 lạng bạc, để thưởng cho việc ướp trà sen. Mỗi lần thưởng thức trà đều cho vời Đặng Thị Huệ. Đoạn dịch nghĩa bài phú như sau: “Hái nhụy bạc và tơ vàng chừ, rồi chạy về nhanh tựa biến/ Đem về bếp trà nơi phủ Chúa chừ, mời bà Lệ Hoa sangThái điện/ Khen Tướng sư giỏi trồng sen chừ, ngợi tiên nga tài hái chọn/…”. Dưới đoạn này, tác giả Ngô Thì Nhậm còn chú rõ: “Mỗi lần hái được nhị sen, Quận công liền cho chạy ngựa dâng tiến phủ Chúa. Chúa Trịnh vương mỗi khi pha trà đó, thế nào cũng mời Tuyên phi (Đặng Thị Huệ) cùng thưởng thức. Tuyên phi rất thích trà sen,…” (Tuyển thơ văn Ngô Thì Nhậm, quyển II, Nxb Khoa học xã hội, Hà nội, 1978, tr 91- 92). Với cứ liệu này, tin ở sự chứng kiến của người cùng triều đình, thậm chí là thân thiết với Bà, là Ngô Thì Nhậm, ta có thể biết thêm rằng: Tuyên phi Đặng Thị Huệ còn có tên Lệ Hoa (lệ: mỹ lệ; hoa: tinh hoa, văn sức – đây chắc là tên hiệu của bà), thường cùng thưởng trà với Chúa Trịnh Sâm. Đến đây, có thể nói thêm rằng, bà rất sành thưởng thức trà nên người ta còn gọi biệt danh là Bà Chúa Chè. Tên gọi này không phải chỉ lưu truyền trong dân gian, nó được nhắc hai lần trong cuốn Lê quý dật sử. Qua đây rõ thêm, biệt danh Bà Chúa Chè của Tuyên phi Đặng Thị Huệ đã có một tầng nghĩa nữa.

Mở rộng hiểu biết xung quanh nhân vật lịch sử này, một sự tôn vinh, sau khi bà qua đời, ngay trong thời đại của Bà. Ấy là câu chuyện được các tác giả Ngô gia văn phái dựng lại trong tiểu thuyết chương hồi. Hoàng Lê nhất thống chí có chép việc Nguyễn Hữu Chỉnh khi chạy vào với Nguyễn Nhạc, con rể của Chỉnh làm thuyết khách cho Triều đình Lê – Trịnh, khi gặp nhau, trong cuộc hỏi đáp, người con rể Chỉnh kể chuyện Đặng Tuyên phi bị Thái phi hành tội. Có phải các tác giả mượn lời của nhân vật này để “chiêu tuyết” cho Đặng Tuyên phi! Qua lời người kể bộc lộ một bản lĩnh cứng cỏi: dù bị hai thị nữ túm tóc rập đầu xuống đất, không chịu lạy cũng không nói nửa nhời; rồi còn bị Thái phi nhổ vào đầu, mặt; đem giam vào nhà Hộ lăng. Khi đó xảy ra hiện tượng biến dị: những “đồ thờ bằng gỗ, bằng vàng, hễ động tay vào là nát mủn như bùn”. Thái phi nghe việc biến, cho đòi cô đồng vào hỏi; đồng phán: “Chúa thượng làm trái ý Tiên vương: tội bất hiếu có hai điều: Chúa vừa lên ngôi, đã ngờ Đặng thị làm bùa yểm trong tử cung, rồi tự ý mở tử cung, thay đổi quần áo khâm liệm, khiến xương ngọc không yên. Đó là một! Đặng thị là người mà Tiên vương yêu dấu, bây giờ bị chúa làm cho tủi nhục đủ đường, khiến vong linh tiên vương phải áy náy. Đó là hai! Nếu không mau hối lỗi tạ tội, tai biến sẽ còn nhiều nữa”. Tuyên phi được trở lại hầu hạ lăng tẩm, nhưng đêm ngày chỉ gào khóc xin chết theo tiên vương. Đến ngày giỗ “đại tường” của tiên vương, Tuyên phi bèn uống thuốc độc mà chết. Chúa sai quan trấn thủ Thanh Hoa, làm theo lễ cung nhân, táng Tuyên phi ở cách Vọng lăng một dặm”. Nghe xong chuyện, Chỉnh cảm thán: “Chết được đấy! Ta tưởng Tuyên phi chỉ có nhan sắc, không ngờ lại tiết liệt như vậy” (Hoàng Lê nhất thống chí, tập I, Nxb Văn học, 1987, tr 95-96)

Như vậy, Bà Chúa Chè – Tuyên phi Đặng Thị Huệ, một nhân vật lịch sử, một bậc kỳ nữ đáng để hậu thế ghi nhớ, luận bình. Sao cái thời đầy biến động, trong thế kỉ 18, lại có người tài sắc đến vậy!

Đỗ Tiến Bảng

 

Liên hệ trực tiếp với Trà Bà Vân qua các kênh dưới đây khi muốn mua sản phẩm và thưởng trà:

Nguồn: http://vannghethainguyen.vn/2019/10/11/ve-nguon-goc-ten-goi-ba-chua-che/