Trà bà Vân là một thương hiệu trà được thành lập từ năm 2013, với tình yêu dành cho trà của anh Xuân Hiến, một kỹ sư cơ khí đã quyết định từ bỏ công việc chuyên môn để rẽ hướng sang đường Trà. “Bà Vân” trong tên thương hiệu chính là người vợ của anh Xuân Hiến, và “Vân” cũng chính là tên hai cô con gái của anh. 

Anh Xuân Hiến chia sẻ về trà với các bạn trẻ ở Hà Nội

Xuân Hiến từng học chuyên ngành Chế tạo máy thuộc Đại học Bách Khoa Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp, anh trở thành một nhà kinh doanh thiết bị cơ khí đúng như mong muốn khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Sau 6 năm, anh dần cảm thấy mình không phù hợp với công việc. Anh nhận thấy mình thích gần gũi với thiên nhiên và những giá trị truyền thống hơn. Tháng 06/2015, anh quyết định rẽ ngang, bước vào con đường trà.

Trà là những kí ức đẹp nhất của tuổi thơ anh. Ngày anh còn bé, ông bà Ngoại anh mở một quán nước nhỏ bán tạp hoá giữa làng. Đó là nơi người làng đến uống nước, ăn trầu, hút thuốc lào, nói với nhau dăm ba câu chuyện vui. Cứ mỗi buổi trưa sau giờ cơm, anh và chị gái lại sang quán của ông bà Ngoại, bốc trà khô trong lọ ra nhai. Vị trà ban đầu chan chát, sau lại ngòn ngọt, vấn vương mãi trong miệng. Cái vị chát – ngọt và hình ảnh của quán trà nhỏ giữa làng ấy in sâu vào tâm trí anh lúc nào không hay. 

Không như những bạn bè thích uống cà phê, anh Hiến thích uống trà khi rảnh rỗi. Anh thường lân la tìm kiếm những địa chỉ bán trà ngon, rồi sau đó là những cơ sở sản xuất trà. Dần dần, anh bắt đầu bán trà như một thú vui. Năm 2015, anh chính thức nghỉ việc, bước chân vào con đường kinh doanh trà. 

Anh Xuân Hiến bên một gốc trà shan tuyết cổ thụ vùng Tây Côn Lĩnh

Sau khi nghỉ việc, anh dành thời gian đi tìm hiểu những vùng nguyên liệu trà của Việt Nam, từ Thái Nguyên, Phú Thọ, Tuyên Quang, tới Sơn La, Yên Bái, Hà Giang… Hành trình đó giúp anh gặp được những người nông dân làm trà đầy tâm huyết. Tuy nhiên, anh nhận ra một thực tế đáng buồn, là thị trường trà Việt Nam còn nhiều pha tạp, khiến những sản phẩm trà chất lượng chưa tìm được chỗ đứng của mình. Đáng buồn hơn, hầu hết người Việt Nam không có cơ hội thưởng thức trà Shan tuyết – một loại trà Việt quý hiếm được thế giới để ý và trân trọng – vì phần lớn trà Shan tuyết cổ thụ Việt Nam được xuất sang Trung Quốc dưới dạng nguyên liệu thô. 

Anh Hiến nhận ra, Việt Nam có những lợi thế nổi bật để phát triển ngành trà. Trà vừa là tài nguyên, vừa là nét văn hoá đã gắn liền với dân tộc Việt. Thế nhưng thế giới vẫn chưa biết đến trà Việt Nam. Đa phần người phương Tây nghĩ rằng, chỉ có hai nước Châu Á có trà là Trung Quốc và Nhật Bản mà thôi.

Với suy nghĩ đó, anh Xuân Hiến coi sứ mệnh của Trà bà Vân là góp phần giữ gìn và phát triển các sản phẩm trà đặc sản cũng như văn hóa trà của người Việt, để một ngày nào đó, trà Việt sẽ nhận được sự quan tâm đúng mực, xứng đáng với tầm vóc vốn có của mình.

Trà bà Vân giới thiệu các sản phẩm trà tại Nhật Bản, tháng 05.2019