Trong quãng thời gian gắn bó với trà vừa qua, đi các vùng trà, gặp gỡ những bà con làm trà, tôi nhận thấy trà Việt có nhiều vùng nguyên liệu tốt, thậm chí thuộc hàng quí hiếm so với các nước khác trong khu vực và trên Thế giới. Chúng ta có đủ điều kiện để làm được những loại trà thượng hạng để phục vụ người dùng trà trong và ngoài nước. Bằng chứng là, hiện nay Việt Nam đã chủ động hoàn toàn nguyên liệu và qui trình công nghệ để sản xuất các dòng trà cao cấp từ bạch trà, lục trà, ô long, hồng trà, hắc trà và cả phổ nhĩ. Một số thương hiệu ô long nổi tiếng của Đài Loan, rất bất ngờ, là được sản xuất hoàn toàn tại Việt Nam.
 
Nhưng tiếc là, sợi dây kết nối từ người sản xuất tới người tiêu dùng còn đang đứt đoạn. Thị trường 90 triệu dân trong nước còn chưa được tập trung chăm sóc đúng mức. Quan niệm về việc dùng trà của ta còn đơn giản, chúng ta vẫn uống trà như một thói quen, mà chưa quan tâm đầy đủ về các tác dụng tới sức khỏe cũng như tinh thần của trà.
 
Người làm trà thì thừa kinh nghiệm nhưng thiếu khả năng nghiên cứu tài liệu, tìm hiểu, thu thập thông tin để cải tiến chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm. Người kinh doanh thì mới chỉ quan tâm tới lợi nhuận, thiếu kiến thức về sản phẩm. Người dùng trà thì quá ít thông tin, thị trường như một ma trận, mờ ảo và rối rắm. Đặc biệt nhưng phổ biến, chúng ta thiếu niềm tin trầm trọng.
 
Vì thế, chúng ta mới dừng ở việc uống trà đá và xuất khẩu trà nguyên liệu giá rẻ.
 
Cùng với thực phẩm nói chung, thị trường trà cũng nhiều việc phải bàn. Từ giống, chăm sóc, thu hái, chế biến, đóng gói…để được một chén trà “đúng là trà” và đặc biệt “trà ngon” cho người dùng là cả một quá trình, đòi hỏi nhiều tâm huyết của cả ba bộ phận người làm trà – người kinh doanh – người dùng trà.
 
Người làm trà tử tế thì chưa được quan tâm đúng mức, làm ra được cân trà không dùng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, thuốc kích thích tăng trưởng…thì vô vàn khó khăn, không cạnh tranh được với các loại trà trên thị trường, nhiều người nản bỏ hoang cả nương trà chuyển nghề khác.
 
Không phải tự nhiên mà trà lại trở thành thức uống phổ biến thứ hai, chỉ sau nước, người Trung Quốc uống hồng trà và phổ nhĩ hàng ngày mà không phải trà xanh, người Đài Loan uống ô long, người Nhật có trà đạo, người Anh có tiệc trà chiều Hoàng Gia…
 
Chính vì thế, bà Vân xác định nhiệm vụ “con buôn” trước hết vì đây là nhiệm vụ quan trọng và thế mạnh của chúng tôi, kết nối người làm và người dùng tới gần nhau hơn, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm trà.
 
Chúng tôi hiện thực hóa nhiệm vụ này bằng cách:
 
– Tìm kiếm và đánh giá nghiêm túc và cẩn thận các vùng nguyên liệu, các cơ sở làm trà uy tín. Nguyên tắc là dựa vào CON NGƯỜI.
– Cùng người sản xuất hoàn thiện sản phẩm và trực tiếp đưa sản phẩm đó tới tay người dùng
– Cung cấp thông tin sản phẩm rõ ràng, minh bạch
– Cùng người dùng trà sử dụng và đánh giá chất lượng các sản phẩm một cách hiệu quả thông qua hoạt động “tìm hiểu trà và hướng dẫn pha trà”
– Kết nối người làm trà và người dùng trà tới gần nhau để hiểu nhau hơn và yêu trà hơn thông qua dịch vụ “du lịch trải nghiệm vùng trà”.
 
Ví dụ vùng trà Tân Cương, Thái Nguyên, Trà bà Vân chọn đối tác là cơ sở sản xuất của một hộ gia đình ở xóm Hồng Thái II – Tân Cương – Thái Nguyên.
 

Cách đây hơn 2 năm, chúng tôi lên Tân Cương làm việc, sự cởi mở và thân thiện của hai vợ chồng anh chị đã khiến chúng tôi quyết định lựa chọn anh chị là đối tác. Nghe anh chị chia sẻ về truyền thống làm trà 3 đời của gia đình, về nương trà hơn 8000m2 của ông cụ thân sinh ra anh để lại, đây là giống trà trung du thuần chủng (Bạch Hạc) gần 50 năm tuổi – một trong những nương trà ít ỏi còn sót lại sau chiến dịch “phá cây trà hạt trồng cây trà lai” cho năng suất cao hơn của địa phương, rồi đến qui trình chăm sóc và ý thức về tác hại của phân bón và hóa chất với đất-cây-môi trường…Thời gian làm việc cùng anh chị, chúng tôi càng trân trọng những con người chân chất, cả đời sống với cây trà như anh chị.

 

Hiện anh chị đang chăm sóc và chế biến theo qui trình VietGAP 10/0619-003, nhưng thực sự tôi không quan tâm nhiều tới tiêu chuẩn, vì tôi tin cái TÂM và chữ TÍN của anh chị hơn tất cả.
 
Và trên tinh thần ấy, chúng tôi cứ mỗi ngày bước thêm một bước nhỏ trên con đường trà đầy gian nan…
 
Xuân Hiến, 29/08.2016